Quá trình kiến tạo nhà gỗ truyền thống ở Bắc Bộ là sự tích lũy vốn sống từ ngàn đời của người nông dân Việt Nam. Nó được thể hiện qua câu nói: “Lấy vợ hiền hòa, chọn nhà hướng nam” – điều đó nói nên sự coi trọng việc chọn đất làm nhà, hướng nhà, kết cấu nhà ở phải vững chắc, bởi nước ta vốn xuất phát từ khu vực đồng bằng, gần biển, lại trong khu vực gió mùa nên trong bốn hướng chỉ có hướng nam là hướng tốt, tránh được nắng chiều hướng tây khó chịu, gió lạnh từ phương bắc và cả bão từ phía đông…
Thế nhưng, tốc độ đô thị hoá diễn ra mạnh mẽ đã làm thay đổi cũng như sự có mặt của kiến trúc nhà gỗ nông thôn Việt Nam không còn nhiều. Những ngôi nhà cao tầng sử dụng vật liệu bê tông cốt thép trở nên phổ biến, thay thế những không gian truyền thống, thậm chí đầm phá, ao hồ ở nhiều nơi đã bị xóa sổ hoàn toàn. Vì thế mà không ít người đã đặt ra câu hỏi “Liệu kiến trúc nhà gỗ truyền thống ở Bắc Bộ có biến mất hay không?”
Nhiều các dịch vụ tư vấn nhà đất xuất hiện, các quán cà phê, internet, trung tâm thương mai, nhà chung cư, nhà ống… mọc lên dần lấn át những công trình kiến trúc cổ truyền vốn là một phần lịch sử của người Việt. Nhiều ngôi nhà cổ trên dưới 300 năm tuổi cứ thế lặng lẽ bị “dìm chết”. Chẳng bao lâu nữa, những công trình kiến trúc cổ ít ỏi bị xóa sổ để xây dựng những ngôi nhà mới hiện đại. Ông Vũ Đăng Tuấn, thôn Cự Đà, chia sẻ: “Trước đây, thôn có nhiều ngôi nhà cổ hàng trăm năm tuổi, mái ngói thâm nâu cổ kính và bình yên. Thế nhưng từ khi trở thành đất Thủ đô thì ngôi làng vốn yên tĩnh hiền hoà này đã đổi thay nhanh chóng khiến những cụ già như chúng tôi khó có thể chấp nhận được”.
Thực trạng những ngôi làng cổ đã vậy thì ở nhiều vùng nông thôn khác, sự biến đổi này chắc còn mạnh mẽ hơn thế. Nhà cửa, ngõ xóm, không gian làng quê xưa không được quy hoạch như trước, thậm chí là ở cũng trở nên hiện đại gây nên sự hỗn độn, chen chúc, làm phá vỡ khung cảnh thôn quê vốn dĩ nền nã, thanh bình. Những cánh đồng thẳng cánh cò bay cũng dần thế mà bị thu hẹp trước sự phát triển rực rỡ của các khu công nghiệp, khu đô thị mới, nhà cao tầng kiên cố…
Hình ảnh những nếp nhà ngói rêu phong, những ngôi nhà gỗ cổ kính, lũy tre xanh bao phủ và chiếc cổng làng vốn thân quen nay dần phai nhạt, trở thành những nơi tập trung đông dân cư, khiến người ta khó có thể xác định được đâu là thị tứ, thị trấn hay đâu là nông thôn nữa. Mặc dù chúng ta buộc phải thừa nhận quá trình đô thị hóa và kiến trúc hiện đại đem đến cho con người sự tiện lợi nhất định, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn.
Tuy nhiên, thực sự sẽ là một điều tiếc nuối nếu như kiến trúc nhà gỗ truyền thống nông thôn ở Bắc Bộ không còn nữa. Chúng ta sẽ mất đi một mảnh ghép lịch sử, văn hóa, truyền thống quý giá đã từng một thời, một giai đoạn làm nên lịch sử ngàn năm văn hiến.
Để có thể giữ gìn được những nét đẹp truyền thống và bình dị nơi thôn quê, cũng như bảo vệ những công trình kiến trúc nhà gỗ truyền thống từ ngàn đời xưa ở vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng thì đòi hỏi các nhà khoa học, các nhà quản lý đât đai và mỗi người trong chúng ta cần có những nghiên cứu, đưa ra những biện pháp quy hoạch kiến trúc khu vực nông thôn sao cho hợp lý, cũng việc am hiểu nét đẹp truyền thống để có thể giữ được nét đẹp văn hóa truyền thống trước sự thay đổi như vũ bão, để thế hệ sau còn biết đến và hiểu về văn hóa làng quê Việt Nam qua cuộc sống chân thực ở chính nơi được gọi là làng quê Việt.