18 Vị La Hán Chùa Tây Phương – Thạch Xá – Thạch Thất

18 Vị La Hán Chùa Tây Phương – Thạch Xá – Thạch Thất

Vẻ đẹp huyền thoại của 18 vị La Hán chùa Tây Phương

Được tạo hình với sự sáng tạo vượt qua mọi chuẩn mực, 18 vị La Hán chùa Tây Phương đã trở thành tác phẩm kinh điển của nền nghệ thuật cổ Việt Nam.
Chùa Tây Phương (xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội) được coi là nơi quy tụ những kiệt tác điêu khắc Phật giáo Việt Nam thế kỷ 18. Trong đó, bộ tượng 18 vị La Hán đã trở thành tác phẩm kinh điển của nền nghệ thuật Việt Nam.
Được tạc cách đây gần 300 năm dưới thời Tây Sơn nhưng bộ tượng 18 vị La Hán chùa Tây Phương (Hà Nội) luôn được các nhà nghiên cứu đánh giá là đỉnh cao của nghệ thuật tạo hình giàu cảm xúc, sống động. Bộ tượng các vị Tổ đầu tiên của Phật giáo có ở chùa Tây Phương đã trở thành kiệt tác nghệ thuật mang đậm hồn cốt Việt và là những bảo vật vô giá của Phật giáo Việt Nam.

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ CÔNG NHÂN BẢO VẬT QUỐC GIA TẠI QUYẾT ĐỊNH SỐ 53/QĐ-TTG NGÀY 14 THÁNG 01 NĂM 2015

1. Tôn giả Ca Diếp (Mahakasyapa). Theo tích truyện Phật giáo, Tôn giả Ca Diếp là con một gia đình Bà La Môn, song từ bỏ dòng dõi để tu theo Phật. Trước khi xuất gia, ông làm thợ kim hoàn, nên tượng ông có đeo nhiều trang sức.
2. Tôn giả A Nan (Ananda). Tổ A Nan là người nhớ và đọc lại tất cả kinh Phật, nên được tạc trong tư thế ôm bộ kinh sách. Ông là tượng trưng của các vị thánh hiền truyền giáo. Tên gọi A Nan có nghĩa là vui mừng, hoan hỉ. Vì vậy khuôn mặt của ông mang nụ cười hể hả biểu hiện bản chất của tên gọi này. Trong 18 vị La Hán của chùa Tây Phương, Tổ Ca Diếp cùng Tổ A Nan được đặt ngay trên bàn thờ chính điện, 16 vị còn lại bày trong chùa Thượng.
3. Thương Na Hòa Tu (Sanakavasa). Thương Na Hòa Tu là một nhà truyền giáo lớn của Phật giáo thời sơ khởi. Sự nghiệp của ông gắn với một câu chuyện mang đậm tính triết lý với người học trò là Ưu Ba Cúc Đa. Tượng Thương Na Hòa Tu ở chùa Tây Phương mô tả ông đang quan sát và suy nghĩ về Ưu Bà Cúc Đa, dáng vẻ suy tư, chìm sâu vào triết lý.
4. Ưu Bà Cúc Đa (Upagupta). Ưu Bà Cúc Đa là đệ tử của Thương Na Hòa Tu. Tương truyền mỗi khi cứu độ được một người thì ông bỏ một thẻ tre vào trong hang. Về sau hang đá đầy đến tận nóc. Tượng ông tay trái cầm một cuộn sách, tay phải cầm một thẻ tre (đã bị mất), được tạo dáng ngồi nhấp nhổm rất sinh động.
5. Đề Đa Ca (Dhritaka). Sự nghiệp của vị Sư tổ Đề Đa Ca thường được biết đến với câu chuyện đầy ý nghĩa về việc truyền lại y bát cho người kế nghiệp là Di Giá Ca. Khuôn mặt tượng Đề Đa Ca ở chùa Tây Phương mang nét đăm chiêu như đang chờ đợi người xứng đáng để trao truyền y bát.
6. Di Giá Ca (Michakha). Sư tổ Di Giá Ca là người đã truyền bá Phật pháp ở rất nhiều vùng đất khác nhau. Tượng ông được tạo hình với thế đứng, khuôn mặt biểu lộ sự ngạc nhiên, như phía trước có cảnh lạ hay đang tranh luận với ai đó. Đây là một trong những bức tượng thể hiện cảm xúc sống động nhất trong các tượng La Hán chùa Tây Phương.
7. Bà Tu Mật (Vasumatra). Sư tổ Bà Tu Mật khi chưa xuất gia nổi tiếng là người thích kết giao bạn bè, thơ ca, uống rượu, ăn mặc lịch sự… ng của ông được tạc trong tư thế cung kính niệm phật, miệng đang chào hỏi, cầu phúc cho người đối diện, quần áo trang phục chỉnh tề đẹp đẽ.
8. Phật Đà Nan Đề (Bouddhanandi). Sư tổ Phật Đà Nan Đề là người có tài biện luận, giỏi ăn nói, sống thoải mái. Tượng ông được tạo hình rất sinh động, dáng người béo tốt, người ngả ra sau thoải mái, tay cầm cái que đang ngoáy tai, quần áo xuề xòa buông thõng. Khuôn mặt tượng mang đầy nét hoan hỉ, ung dung tự tại.
9. Phật Đà Mật Đa (Bouddhamitra).. Tương truyền, Sư tổ Phật Đà Mật Đa đến 50 tuổi vẫn không nói, không đi ra khỏi nhà, vì chưa nghe được điều gì hay cả, cho đến khi Phật Đà Nan Đề đến tận nhà truyền pháp. Vì thế tượng tạc lúc ông đã lớn tuổi, nhưng lần đầu mới được ngộ giáo lý, thể hiện qua việc đọc cuốn sách, mặt mũi hân hoan.
10. Hiệp Tôn Giả (Parsva). Sư tổ Hiệp Tôn Giả luôn tu hành và du hành không bao giờ ngừng nghỉ, không cả đặt lưng ngủ. Truyền thuyết kể khi ông đang đứng tựa một gốc cây thì nhận ra từ xa chú bé sẽ là bậc thánh… Ông đã thuyết pháp cho chú bé ngay dưới gốc cây, về sau chú bé trở thành Sư tổ Phú Na Dạ Xa. Tượng ông được tạo hình ôm lấy thân cây là dựa trên tích truyện này.
11. Mã Minh (Asvagosha). Theo truyền thuyết, Sư tổ Mã Minh thì có thể thuyết pháp giáo hóa cho cả các loài động vật. Bức tượng của chùa Tây Phương tạc ông đang thuyết pháp cho Rồng. Trong thực tế, Tổ Mã Minh là một nhà thơ, triết gia nổi tiếng ở khoảng thế kỉ 1, là một trong 4 thánh triết trụ cột của Phật giáo Đại thừa.
12. Ca Tỳ Ma La (Capimala). Sư tổ Ca Tỳ Ma La vốn theo tà giáo, đã có tới 3000 đồ đệ, thông hiểu các dị thuyết, sau được Tổ Mã Minh khuất phục rồi lại truyền thừa y bát cho làm Tổ kế nghiệp. Tượng Ca Tỳ Ma La được tạo hình với con rắn quấn quanh. Theo truyền thuyết, có lần mãng xà cuốn quanh thân ông muốn ăn thịt, nhưng Tổ thuyết pháp khiến rắn cũng kính ngưỡng, lại chỉ dẫn ông một bậc thánh còn ẩn trong rừng là Long Thụ. Ca Tỳ Ma La thuyết pháp và truyền cho Long Thụ. Khuôn mặt Sư tổ Ca Tỳ Ma La mang vẻ điềm tĩnh, nghiêm nghị giữa hoàn cảnh bị rắn thành tinh đe dọa.
14. La Hầu La Đa (Rahulata). Sư tổ La Hầu La Đa xuất thân trong gia đình trưởng giả giàu có, ăn sung mặc sướng. Tượng ông là tượng duy nhất đội khăn nhà giàu trên đầu, cầm gậy thể hiện uy thế, móng tay rất dài, là biểu thị của người thuộc tầng lớp cao quý. Trái với trang phục phú quý, khuôn mặt tượng mang vẻ đăm chiêu, khổ não, như đang suy tư về bản chất cõi đời. Đây được đánh giá là pho đẹp nhất trong toàn bộ 18 tượng La Hán chùa Tây Phương. Bên cạnh tượng có con hươu nghe thuyết pháp.
15. Tăng Già Nan Đề (Sanghanandi). Tăng Già Nan Đề là con Vua nước Bảo Trang Nghiêm, vừa sinh ra đã biết nói, hay tán dương Phật pháp. Khi trưởng thành, dù bị vua cha ngăn cấm, ông đã trốn lên núi để tu Phật, đắc đạo và trở thành một Sư tổ. Tượng ông được tạc trong tư thế ngồi thiền bên bờ sông. Kiểu ngồi thiền của Tổ Tăng Già Nan Đề rất đặc biệt, không phải xếp bằng tròn hai tay trước bụng như thông thường, mà là tư thế dân dã như đang ngồi nói chuyện, mặt mũi nhẹ nhõm.
16. Già Da Xá Đa (Samghayacas). Sư tổ Già Da Xá Đa khi còn bé thường mang một cái gương để soi lại chính mình, cho đến khi đắc đạo vẫn còn có chiếc gương đó mang theo. Vì thế tượng của Tổ được tạc trong tư thế đang bước đi, tay cầm chiếc gương tròn quay về phía sau, hai ống tay áo bay phất phơ rất sống động.
17. Cưu Ma La Đa (Kumarata). Theo truyền thuyết, Sư tổ Cưu Ma La Đa vốn là một vị tu tiên trên trời, phạm lỗi mà phải xuống cõi người. Tượng của Tổ được tạo với dáng vẻ rất béo tốt ung dung, miệng nhoẻn cười, tay cầm một bông hoa to.
18. Xà Dạ Đa (Jayata). Sư tổ Xà Dạ Đa sinh thời nổi tiếng là người trí tuệ thâm sâu. Tượng được tạc với tư thế rất lạ: cơ thể gày giơ xương, tay đang cầm cái que gãi lưng, có vẻ rất ngứa ngảy khổ sở. Tuy vậy, tượng có đầu rất to, thể hiện một trí tuệ siêu việt vượt qua mọi sự hạn chế của thể xác.
Theo truyền thuyết thì Phật Thích Ca cất bộ kinh Hoa Nghiêm ở Long cung dưới đáy biển trong 600 năm. Long Thụ đã dùng thần thông xuống tận Long cung lấy bộ kinh đó. Vì vậy, cạnh tượng Long Thụ có con rồng đội kinh là để mô tả truyền thuyết này.

Bài thơ “Các vị la hán chùa Tây Phương” nhà thơ Huy Cận.

Các vị La Hán chùa Tây Phương
Tôi đến thăm về lòng vấn vương.
Há chẳng phải đây là xứ Phật,
Mà sao ai nấy mặt đau thương?

Đây vị xương trần chân với tay
Có chi thiêu đốt tấm thân gầy
Trầm ngâm đau khổ sâu vòm mắt
Tự bấy ngồi y cho đến nay.

Có vị mắt giương, mày nhíu xệch
Trán như nổi sóng biển luân hồi
Môi cong chua chát, tâm hồn héo
Gân vặn bàn tay mạch máu sôi.

Có vị chân tay co xếp lại
Tròn xoe tựa thể chiếc thai non
Nhưng đôi tai rộng dài ngang gối
Cả cuộc đời nghe đủ chuyện buồn…

Các vị ngồi đây trong lặng yên
Mà nghe giông bão nổ trăm miền
Như từ vực thẳm đời nhân loại
Bóng tối đùn ra trận gió đen.

Mỗi người một vẻ, mặt con người
Cuồn cuộn đau thương cháy dưới trời
Cuộc họp lạ lùng trăm vật vã
Tượng không khóc cũng đổ mồ hôi.

Mặt cúi, mặt nghiêng, mặt ngoảnh sau
Quay theo tám hướng hỏi trời sâu
Một câu hỏi lớn. Không lời đáp
Cho đến bây giờ mặt vẫn chau.

Có thực trên đường tu đến Phật
Trần gian tìm cởi áo trầm luân
Bấy nhiêu quằn quại run lần chót
Các vị đau theo lòng chúng nhân?

Nào đâu, bác thợ cả xưa đâu?
Sống lại cho tôi hỏi một câu:
Bác tạc bấy nhiêu hình khổ hạnh
Thật chăng chuyện Phật kể cho nhau?

Hay bấy nhiêu hồn trong gió bão
Bấy nhiêu tâm sự, bấy nhiêu đời
Là cha ông đó bằng xương máu
Đã khổ, không yên cả đứng ngồi.

Cha ông năm tháng đè lưng nặng
Những bạn đương thời của Nguyễn Du
Nung nấu tâm can, vò võ trán
Đau đời có cứu được đời đâu.

Đứt ruột cha ông trong cái thuở
Cuộc sống giậm chân hoài một chỗ
Bao nhiêu hi vọng thúc bên sườn
Héo tựa mầm non thiếu ánh dương.

Hoàng hôn thế kỷ phủ bao la
Sờ soạng cha ông tìm lối ra
Có phải thế mà trên mặt tượng
Nửa như khói ám, nửa sương tà.

Các vị La Hán chùa Tây Phương!
Hôm nay xã hội đã lên đường
Tôi nhìn mặt tượng dường tươi lại
Xua bóng hoàng hôn, tản khói sương.

Cha ông yêu mến thời xưa cũ
Trần trụi đau thương bỗng hoá gần!
Những bước mất đi trong thớ gỗ
Về đây, tươi vạn dặm đường xuân.


27-12-1960