Sở hữu một không gian kiến trúc nhà gỗ kẻ truyền, có lẽ, là một khát vọng chưa bao giờ bị dập tắt. Có không ít người dành cả cuộc đời tích cóp, dành cả tâm huyết tìm cho kỳ được một xúc gỗ tốt… với hy vọng về già có được một ngôi nhà gỗ khang trang, khiến bao người phải nể phục, ngưỡng mộ.
Thực sự đã có không ít công trình nhà gỗ ở các làng quê Bắc Bộ Việt Nam được gọi với cái tên hoa mỹ “biệt thự xanh” của làng. Điển hình như:
Kiến trúc nhà gỗ mít đá ong “hoành tráng” nhất Bắc Bộ
Tại khu vực huyện Thạch Thất – Hà Nội, từ lâu người dân nơi đây đã rỉ tai nhau về hai ngôi nhà gỗ đẹp nhất trong huyện: ngôi nhà của ông Nguyễn Văn Nho và ông Nguyễn Văn Học. Kiến trúc của hai ngôi nhà này thực sự khiến người ta phải choáng váng, nó được thiết kế, thi công theo đúng phong cách truyền thống xưa, vẫn là những đường nét chạm khắc thanh thoát, vẫn là kết cấu ấy… nhưng được tô điểm thêm những nét bản sắc địa phương qua tường đá ong độc đáo…tạo nên nét cuốn hút kỳ lạ.
Toàn cảnh ngôi nhà ông Nguyễn Văn Nho nhìn từ chính điện.
Cổng vào nhà hoành tráng được xây bằng đá ong nguyên khối.
Căn nhà gỗ mít của con trai ông Nho cũng được thiết kế độc đáo không kém khi có sự kết hợp của chất liệu đá ong, tạo kiểu dáng độc đáo, tường rào cầu kỳ.
Một góc nhà rực vàng, màu đặc trưng tự nhiên vốn có của gỗ mít được chạm khắc vô cùng tinh xảo.
Căn nhà 5 gian được làm hoàn toàn bằng gỗ mít của ông Nguyễn Văn Nho lên đến hơn 3 tỉ đồng. Còn ngôi nhà gỗ mít của ông Nguyễn Văn Học cũng không hề thua kém, ngôi nhà có giá lên đến hơn 2,5 tỉ đồng. Tất cả hệ thống cột, xà… trong nhà đều được làm từ những cây mít hàng trăm năm tuổi.
Ngôi nhà gỗ mit của ông Nguyễn Văn Học khiến nhiều người đi qua phải liếc nhìn.
Nhà gỗ lim 300 tuổi tại Bắc Ninh
Đây là ngôi nhà thờ cổ của dòng họ Nguyễn Thạc tại làng Đình Bảng huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, được xây dựng từ năm 1686, điều đáng ngạc nhiên là toàn bộ kiến trúc trong ngôi nhà này đều được làm từ gỗ lim, và được xây trong vòng 14 năm.
Kiến trúc bế thế này: gồm một khu thờ tự chính, một gian tách biệt để ở, tiếp khách và nhà bếp.
Ngôi nhà gỗ lim 300 tuổi của dòng họ Nguyễn Thạc ở vùng Kinh Bắc nổi tiếng nhiều năm nay.
Ngôi nhà không giống như những kiến trúc nhà gỗ thông thường chỉ có 3, hay là 5 gian… mà có đến tận 7 gian, trong đó 3 gian chính giữa là không gian thờ tự, hơn thế nữa, sự xuất hiện của 28 cánh cửa bức bàn cũng khiến chúng tôi không khỏi tò mò. Được biết: vào thời Pháp chiếm đóng, ngôi nhà đã bị đốt chạy rui 27 cánh cửa. Về sau, cánh cửa duy nhất còn lại được dùng làm nguyên mẫu để đóng những cửa khác. Về sau, Nhật Bản đã đầu tư khoảng một tỷ đồng để trùng tu lại căn nhà này, vì thế mà căn nhà này có niên đại đến hơn 300 năm ở Việt Nam.
Nhà sàn gỗ lim 2 trăm tỷ của đại gia Điện Biên
Ngôi nhà sàn của đại gia Bùi Đức Giang được xây dựng trong vòng 4 năm và mới đây đã được kỷ lục Guiness Việt Nam công nhận là ngôi nhà sàn gỗ lim lớn nhất Việt Nam.
Kiến trúc nhà sàn bế thế này có quy mô vô cùng lớn, có tổng cộng 7 gian nhà với 16 cột trụ cái đường kính 45cm, hệ thống cột quân và cột hiên rộng hơn 40cm – bệ đỡ chắc chắn và kiên cố. Hệ thống cột kèo, trần nhà cho đến sàn, tường…hoàn toàn được làm bằng gỗ lim nguyên khối.
“Biệt thự” nhà vườn dát 60 cây vàng, toàn gỗ lim già
Một đại gia nổi tiếng trong giới bất động sản tại thành phố Hải Dương đã bỏ ra hơn 60 cây vàng để dát cho ngôi nhà sân vườn của mình. Với tổng diện tích ngôi “biệt thự xanh” lên đến 5.000m2.
Đây có thể coi là một kiến trúc nhà gỗ khổng lồ, trừ hai tường hồi còn toàn bộ nhà, từ vì kèo, đến cửa vách, hoành phi, câu đối, thậm chí những tiểu tiết nhỏ nhất cũng đều được làm bằng gỗ lim có tuổi đời. Ngôi nhà có tới 49 cột gỗ cỡ đại quý hiếm. Khắp nơi trong ngôi nhà gỗ này những liễn đối dát vàng lấp lánh, bằng chữ nho… khiến ai đến thăm quan cũng không khỏi choáng ngợp.
Nhà gỗ lim bạc tỷ của lão nông Hải Phòng
Tại thị xã Thủy Triều có đến 150 ngôi nhà gỗ lim nổi tiếng, bởi nơi đây kiến trúc nhà gỗ đã trở thành một thú vui tao nhã của những người có tiền, những kiến trúc nhà gỗ có giá từ vài trăm triệu đến cả chục tỷ đồng. Phần lớn những ngôi nhà gỗ lim này đều do người nông dân “chân lấm tay bùn” dựng nên. Trong số đó, và cũng là 2 ngôi nhà nổi bật nhất, của ông Trần Văn Ca và ông Lê Văn Sửu.
Bộ khung chính của ngôi nhà gỗ lim.
Ngôi nhà của ông Ca gây ấn tượng bởi thiết kế theo kiến trúc cung đình Huế, trị giá trên 3 tỷ đồng. Còn ngôi nhà của ông Lê Văn Sửu rộng gần 100m2, có trị giá gần 2 tỷ đồng.
Đây mới chỉ dừng lại ở một số công trình kiến trúc nhà gỗ tiêu biểu, còn rất nhiều kiến trúc nhà gỗ nổi tiếng khác nữa mà chúng tôi chưa thể điểm qua hết.