Đặc điểm địa lý và khí hậu vùng miền tác động trực tiếp đến sự hình thành và biến đổi của kiến trúc nhà gỗ nông thôn Bắc Bộ nói riêng, kiến trúc nhà gỗ Bắc Bộ nói chung. Nó không chỉ phản ánh rõ nét cuộc sống giản dị, tính chuẩn mực của người dân nơi đây, mà còn là kho tàng văn hóa và nghệ thuật kiến trúc của dân tộc, thể hiện sự sáng tạo và tài hoa của người dân Bắc Bộ xưa.
Trong tâm thức của người Việt từ xưa đến nay, ngôi nhà có vai trò đặc biệt quan trọng. Không chỉ là nơi che mưa, che nắng, mà còn là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, nơi thể hiện sự sáng tạo không ngừng nghỉ của con dân Đất Việt. Và ẩn sâu bên trong mỗi công trình kiến trúc còn là chân dung của con người Việt Nam.
Quá trình xây dựng nhà ở vùng nông thôn Bắc Bộ là sự tích lũy vốn sống, vốn kiến thực ngàn đời của người nông dân xưa. Đối với họ nhà cửa khi xây dựng phải thích nghi được với môi trường thiên nhiên, dựa vào thiên nhiên để sống, có như vậy mới tạo nên được sự hài hòa, cân xứng, tạo nên một hệ sinh thái bền vững và lâu bền.
Kiến trúc nhà ở truyền thống xưa không giống ngày nay, nó không có bất kỳ một vật liệu hiện đại nào, chỉ có có những khúc gỗ nguyên khối, vôi, và gạch ngói… Vì thế, khung nhà xưa được làm hoàn toàn bằng gỗ tự nhiên, đó có thể là gỗ lim, gỗ mít, gỗ xoan, thậm chí là tre lứa… ấy vậy mà kết cấu ngôi nhà vẫn vô cùng vững chắc, nó bền bỉ đến mức gió báo, thời gian cũng không làm nó lung lay.
Với vì kèo ba bốn cột, liên kết bởi xà ở đầu và bậu ở chân cột giúp cho toàn bộ công trình trở nên bề tháng, khang trang và vững chãi hơn. Tránh được mối mọt và tăng độ bền cho ngôi nhà, người ta thường mang đi ngâm ở các ao, hồ khoảng 1-2 năm trước khi xây dựng nhà để chất gỗ có thể thích nghi với thời gian mà không bị biến đổi tính chất lý hóa – sự tài tình của người thợ làm nhà gỗ.
Những người thợ có thể tính toán được kích thước chuẩn đến mức khi ghép nối các chi tiết thì không có bất kỳ một chi tiết nào thừa thãi, mỗi một yếu tố đều có vai trò của riêng mình. Sự phân chia công năng, khả năng chịu lực trong căn nhà gỗ của cha ông rất rành mạch, rõ ràng đến mức tuyệt đối. Hơn thế nưa, khi bước vào những kiến trúc nhà gỗ cổ truyền bạn sẽ thấy bậc cửa thường khá cao, điều đó thể hiện cho lối sống của người dân, thể hiện văn hóa chào hỏi của mỗi con người.
Nhà gỗ xưa thường có 3 gian, 4 gian, 5 gian… thậm chí 7 gian nhà, tùy vào nhu cầu sử dụng của mỗi gia đình. Nhưng thường được làm với kết cấu ba gian nhỏ, trong đó ngoài gian chính để tiếp khách, thờ cúng thì có 2 gian phụ để buồng ngủ hoặc kho thóc, nhà bếp. Nét độc đáo trong ngôi nhà ba gian vùng Bắc bộ này là nhiều cột, ván bứng quanh nhà. Kiến trúc nhà có 6 hàng cột tính từ ngoài vào: cột hiên, cột con, cột cái, cột cái, cột con và cột hậu. Ván bứng hai bên độc thường là đố vỏ mắng hoặc được tiện chạm tinh xảo với các bức tứ quý như “Tùng, trúc, cúc, mai” hay “Đào, lê, thủ, lựu”…
Mái nhà nông thôn Bắc Bộ xưa được lợp bằng tranh hoặc những gia đình khá giả thì lợp ngói mới đỏ tươi, thiết kế mái dốc lớn, phẳng để thoát nước mưa và tránh dột. Người xưa đã rất sáng tạo và tinh tế khi tận dụng không gian từ độ dốc lớn làm thành gác, kệ lửng thêm chỗ để kho chứa thóc lúa, ngô khoai… Mái đưa ra xa chân tường vừa tạo nên mái hiên vừa giúp che nắng vừa tránh mưa hắt vào các chân cột gỗ và tường đất nện.
Phần tường bao quanh ngôi nhà trông có vẻ mỏng manh nhưng nó được tạo dựng từ một vật liệu đặc biệt, còn ngày nay được thay thế bằng gạch và xi măng… Nó có tác dụng bảo vệ, cách nhiệt và ngăn chia không gian – nhất là hướng tây, và cũng là để thích nghi với điều kiện thời tiết nóng ẩm mưa nhiều ở ngoài Bắc.
Bức tường được quét vôi màu trắng hoặc để nguyên màu tự nhiên của vật liệu, tường gạch không tô trát mà chỉ miết mạch, tạo cảm giác khang trang mát mẻ trên nền cây cối xanh tươi, làm giảm bớt đi cái oi bức của mái ngói, sân gạch. Đối với tường bằng đất nện thì được làm rất dày tạo sự ấm cúng về mùa đông, mát mẻ về mùa hè.
Để tạo không gian mát mẻ cho những kiến trúc nhà gỗ nông thôn Bắc bộ, người xưa đã tạo ra một hệ thống sân vườn – cây xanh xung quanh nhà và trồng những giàn cây leo quanh nhà như mướp, bầu bí… tạo thành các tấm che nắng tự nhiên, vừa tránh nắng nóng cho người và gia súc, vừa để lấy rau quả làm thức ăn.
Có thể thấy, kiến trúc nhà gỗ nông thông Bắc Bộ, nhà gỗ cổ truyền của người Việt được tạo dựng trên quan điểm: “cái đẹp xuất phát từ tự nhiên”; “cái đẹp ẩn mình”; “cái đẹp gắn với chữ “tâm””. Kiến trúc ấy xa lạ với mọi biểu hiện phô trương, những món đồ mang tính hình thức. Ngôi nhà gỗ cổ chính là một sản phẩm của tự nhiên, của lịch sử và của sự tư duy kiến tạo Việt. Nó chính là đáp số cho những bài tính khi chưa xuất hiện những bộ môn sức bền vật liệu, hay tĩnh học công trình. Và người Việt dù xưa hay nay thì trong việc xây dựng nhà ở luôn đề cao tính chân thực, sự giản dị và một lòng hướng về cuội nguồn.